Sự tích bánh chưng bánh giầy - Truyện cổ tích Việt Nam
Cuốn truyện "Sự tích bánh chưng bánh giầy" là câu chuyện cổ tích hay, nổi tiếng, được biết nhiều trong các lứa tuổi học trò, chuyện là những bài học bổ ích cho các em để tìm hiểu về cỗi nguồn.
Trích dẫn câu chuyện:
Ngày xưa ở nước ta, trong số các con của vua Hùng Vương thứ 6, có một con người con trai tên là Lang Liêu. Các hoàng tử khác đều văn hay giỏi võ, nhưng lại không thích lao động chân lấm tay bung, chỉ riêng có Lang Liêu là chăm chỉ hiền lanh, ưa nghề trồng trọt. Chàng đem vợ con về quê vỡ nương, cuốc bãi, cùng với bà con nông dân đổ mồ hôi làm ăn nuôi miệng.
Một hôm vào dịp cuối năm, vua Hùng Vương cho vời đông đủ các con đến và bảo:
- Đến ngày hội lớn đầu năm, ai tìm được của ngon vật lạ nhất đem đến để tế trời, đất thì sẽ được nhường ngôi.
Các hoàng tử tỏa đi khắp bốn phương. Người thì lên rừng đốc thúc bộ hạ săn thú, bắn chim. Kẻ thì xuống biển bắt dân chài mò trai, bắt cá. Riêng Lang Liêu rất băn khoăn lo lắng không biết tìm vật gì dâng lên vua cha.
Một hôm đi thăm đồng, Lang Liêu thấy ruộng lúa nếp của mình đã chín vàng, những hạt nếp vừa mẩy, vừa thơm, tưởng không còn gì quí hơn nữa. Chàng về gọi vợ cùng bà con trong xóm ra gặt. Đến quá trưa gặt xong thửa ruộng, mọi người vui vẻ gánh lúa về.
Tối hôm ấy, Lang Liêu đập lúa dưới trăng. Nhìn lên bầu trời trong xanh bát ngát, nhớ đến cánh đồng lúa mênh mông nuôi sống con người. Lang Liêu chợt nghĩ:
- Ta sẽ dùng nếp trắng thơm này để làm hai thứ bánh, một cái tròn như hình bầu trời cao xa, một thứ vuông giống như hình đất màu mỡ. Bánh ngon, thơm lại ngụ ý tốt, nhất định phải được mọi người quý trọng, vua cha hẳn vui lòng.
Sáng hôm sau Lang Liêu đem ý định của mình nói với vợ con. Ai nấy đều mừng, cùng nhau bàn cách làm hai thứ bánh.
Họ lấy gạo nếp vo kĩ, đồ xôi thật dẻo, cho vào cối giã thật mịn rồi nặn một thứ bánh hình tròn mịn màng và trong trẻo như bầu trời.
Họ lại lấy lá dong tươi gói gạo nếp sống, ngâm đỗ xanh làm một thứ bánh hình vuông có màu xanh cây cỏ, có những thứ hạt nuôi sống người, giống như mặt đất.
Để tiêu biểu cho loài muông thú trên mặt đất, Lang Liêu xách nỏ vào rừng săn lợn to để làm nhân thịt vào bánh.
Bà con xung quanh vốn mến tính hiền lành chăm chỉ của Lang Liêu, thấy vợ chồng chàng bận rộn làm hai thứ bánh quý bèn kéo nhau sang làm giúp.
Gói xong bánh hình đất, hai vợ chồng Lang Liêu xếp cả vào nồi lớn, nhóm lửa đun kĩ. Cả đêm hôm ấy, gia đình Lang Liêu quây quần xung quanh bếp lửa cho đến khi bánh chín.
Sáng hôm sau, vợ chồng Lang Liêu sung sướng nhìn lại hai chiếc mâm lớn xếp đầy hai thứ bánh quý, kết quả công sức và sáng tạo của mình. Hai thứ bánh quả là món quà quý nhất, ngon nhất, lạ nhất để chàng dâng lên chúc thọ vua cha nhân ngày hội lớn đầu năm.
Đúng ngày hội lớn, các hoàng tử mang của ngon, vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu có vẻ đơn giản quá. Nhưng sau khi nghe Lang Liêu tâu trình rõ cách làm và ý nghĩa của hai thứ bánh quý thì vua cha rất vui mừng và cảm động .
Vua Hùng chọn hai thứ bánh của Lang Liêu để tế trời đất rồi chia cho các hoàng tử và các quần thần nếm thử. Ai cũng phải khen bánh có vị ngon, hương lạ mà lại có ý nghĩa sâu xa, đúng là của quý nhất trong ngày hội đầu năm.
Vua Hùng thứ 6 bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, ngài đặt tên cho hai thứ bánh quý, bánh giầy là hình bầu trời, bánh chưng là bánh hình mặt đất.
Tags: